Chiếc Cầu Gẫy (Tôn Thất Diên)


Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng
(1937-2000)

Cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, quê Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, đã sáng tác một trong những nhạc phẩm để đời rất phổ biến lấy tên là “Chuyện chiếc cầu đã gẫy”. Bản nhạc rất xúc động cả về nhạc và lời ca, từng làm xao xuyến trái tim và làm ứa nước mắt của không biết bao nhiêu người Việt Nam khắp nơi, đặc biệt là những người dân Huế.

Cầu Trường Tiền gẫy lúc 5g30 sáng ngày 7-2-1968

Tuy không phải là người dân cố đô mà nhạc sĩ cũng cảm thấy nỗi xót xa đau đớn cùng cực trước cái thực tế phũ phàng bi thảm của một hành động tàn tệ không sao tưởng tượng được. Chiếc cầu gẫy được nhắc đến trong bài hát chính là cây cầu Trường Tiền thân thiết duyên dáng bắc ngang dòng sông Hương êm đềm ngay giữa lòng thành phố Huế. Có thể nói không ngoa khi ví cầu Trường Tiền như cái yết hầu nối liền hai phần cơ thể trọng yếu của người dân Huế, là hai khu vực chính của thành phố nằm hai bên bờ tả và hữu ngạn sông Hương. Trong bài hát, nhạc sĩ đã không ngại ngùng dùng rất đúng một từ để chỉ một loại người mà tất cả dân tộc Việt Nam đều khinh ghét và ghê tởm là ‘giặc’, kẻ đã gây ra tội ác tầy đình, không những cho bản thân người dân Huế mà còn cho cà cái biểu tượng rất thân yêu gần gũi với họ trong cuộc sống hằng ngày. Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã bày tỏ nỗi uất ức đắng cay của mình trong đoạn cuối với những câu trách cứ nặng nề lẫn thương tiếc thấm thía:

Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai
Tiếc thương lời vắn dài

Vì sao không thương mến nhau
Còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu *

Cầu Trường Tiền sập … gây thêm khổ đau cho người dân Huế

Còn đâu nữa chiếc cầu Trường Tiền duyên dáng, với các khoảng bao lơn thuận tiện giữa hai nhịp để cho người đi trên cầu có thể dừng lại, mà không gây trở ngại cho người khác, để nghỉ ngơi, chuyện trò, tâm sự, hay tìm chút thư giãn bằng cách ngắm giòng nước trong veo của sông Hương lặng lờ chảy qua dưới cầu vào những ngày hè đẹp trời. Chiếc cầu không những mang đậm nét biểu tượng tình cảm của Huế, mà còn là một hình ảnh đáng yêu của Huế thanh bình với hoa phưọng học trò màu đỏ và con sông Hương trong lành ngọt ngào. Không những thế, cầu Trường Tiền còn là xương sống của mọi sinh hoạt đối với người dân Huế nói chung, và các thế hệ học sinh nói riêng. Qua những năm tháng êm ả, hiền hòa, chiếc cầu đã giữ vai trò huyết mạch nối liền hai phần máu thịt của Huế xuyên suốt nhiều giai đoạn lịch sử, sướng khổ vui buồn lẫn lộn, nhưng có lẽ chưa bao giờ chịu đựng đau thương tột độ do con người gây ra như lần bị phá sập trong vụ Tết Mậu Thân đẫm máu năm 1968. Nỗi đau đớn ê chề trước hình ảnh chiếc cầu gẫy cùng với hậu quả rùng rợn của vụ thảm sát phi lý đã khiến người dân Huế phải chịu mang mãi một vết thương không bao giờ lành.


Một bao lơn trên cầu cũ

Cả một thế hệ học sinh Khải Định đã may mắn có rất nhiều kỷ niệm đẹp của tuổi thơ trong trắng được sống trong cảnh tương đối thanh bình, đặc biệt là với hoa phượng đỏ nở rộ trước sân trường Đồng Khánh học nhờ, và cây cầu Trường Tiền qua lại hằng ngày, bất kể mưa nắng gió bão. Trong những năm đầu ở trường, tuy cuộc sống của thuở mới hồi cư còn nghèo khổ thiếu thốn, nhưng chắc chắn đa số cựu học sinh Khải Định lớp 48-55 nói riêng và những học sinh các lớp khác cũng như đồng bào nói chung, đã lưu lại không biết bao nhiêu bước đi của mình trên chiếc cầu duyên dáng nằm vắt qua sông Hương với giòng nước trong xanh êm đềm.

Vậy mà không hiểu sao có người lại căm ghét người dân Huế và cầu Trường Tiền tàn tệ đến nỗi không thèm đếm xỉa đến tình cảm sâu đậm của họ đối với nó và công dụng lớn lao của nó đối với cuộc sống thường ngày đã nối kết họ khắng khít với chiếc cầu. Mặc cho nó đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của Huế, nó vẫn bị nhẫn tâm phá sập, tạo nên một trong những cảnh tượng hết sức thương tâm cho toàn dân Việt. Với người dân Huế chính thống, chiếc cầu gãy là một tang chứng khủng khiếp của chiến tranh, giống như một ai đó bị bọn cướp dùng dao cắt đứt cổ họng của mình. Cũng giống như ngày 30-4-1975 mà dân miền Nam xem như một ngày tang tóc thì có người lại tôn nó làm ngày hội vui chơi với những cuộc bắn pháo bông xa xỉ, chẳng khác nào cho một cái tát vào mặt toàn dân đang nghèo khổ lầm than vì nạn áp bức bóc lột và cưỡng đoạt oan ức.

Bài hát về chiếc cầu Trường Tiền gẫy của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và hình ảnh chiếc cầu gẫy có thể nào là một lời nhắc nhở các thế hệ người Việt hiện nay và mai sau hãy cố tránh chiến tranh, nhất là chiến tranh giữa những đồng bào với nhau vì ý thức hệ và lệ thuộc ngoại lai hay vì dã tâm đen tối của một nhóm người. Cùng một dân tộc, cùng có liên hệ máu thịt trong tình nghĩa đồng bào, mọi bất đồng và xung đột vị kỷ dứt khoát phải được giải quyết êm thắm bằng tình thương và tương nhượng. Chỉ trừ trường hợp khi đất nước lâm nguy trước hiểm họa xâm lăng nhằm mục đích bành trướng hay cướp đoạt lãnh thổ để áp đặt nền đô hộ kiểu thực dân mới, thì với truyền thống bất khuất, người dân Việt Nam sẽ phải cương quyết vùng dậy dùng chiến tranh để bảo vệ chủ quyền của đất nước và duy trì nếp sống văn minh tự do của dân tộc.

Tôn Thất Diên

Lời bài hát:

Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ
Thỏa lòng người dân hằng chờ
Có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ

Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu
Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh
Như lòng người dân lành
Cầu đưa ta đi sớm trưa
Tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu
Nối liền tình người đẹp đời mai sau

Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa
Dập dìu trong tay chan chứa tình thương
Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường
Áo trắng về trắng cầu quê hương
Mỗi lần chiều tan trường
Cầu quen đưa bao chuyến xe
Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề
Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề
Ngoài miền sơn khê

Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em
Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau
Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu
Nước dưới cầu vẫn trong veo
Như cuộc tình duyên nghèo
Tình yêu ta như nước trong
Dù qua mấy sông vẫn một lòng
Thương người nhìn qua đầu cầu
Hứa hẹn ngọt ngào tình bền duyên lâu

Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
*Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai
Tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau
Còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu
Mối thù chờ sang ngày nào
Nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau

One thought on “Chiếc Cầu Gẫy (Tôn Thất Diên)

  1. Cám ơn anh Diên, bài viết thật cảm động, gợi nhớ kỷ niệm về cây cầu nổi tiếng, gắn liền với cố đô Huế. Tôi sinh ra ở miền Bắc, sống ở miền Nam, nhưng cũng hân hạnh được đi qua cây cầu này hai lần: Lần thứ 1 vào năm 1958, trong chương trình trại hè của học sinh Saigon ra thăm Huế (và ngược lại). Ngày đó còn thanh bình, chúng tôi đi xe lửa từ Nam ra Trung và ngụ tại Trung Học Quốc Học gần 2 tuần. Chúng tôi đã qua lại nhiều lần cây cầu cổ kính nhưng thật duyên dáng và hữu dụng này, đúng như những gì anh Diên mô tả ở trên. Lần thứ 2 là năm 1973, tôi và hai anh bạn NTKiệt và TXTrương dẫn SVSQ Võ Bị đóng quân tại Hương Thủy và Phú Thứ. Đại Úy Lập là trưởng đoàn và Bộ Chỉ Huy đóng tại một tòa nhà, ngay cạnh chân cầu bê tông mới. Cầu mới có thể tiện lợi về giao thông, nhưng trông thật “trần trụi”, sánh sao được với cây cầu Trường Tiền lịch sử, đã gắn liền với đời sống người dân Huế như bài viết của anh Diên.
    Tôi có cái may mắn gặp lại anh Kiệt mới đây, nhưng có lẽ tôi chẳng còn cơ hội nhìn lại cây cầu này lần thứ ba, cũng như chẳng bao giờ được gặp lại đươc anh TXTrương hiền lành của chúng ta.
    Một lần nữa, xin Cám ơn anh Diên.
    NTMinh

Bạn đọc góp ý: